Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

Cà phê võ thuật (p8) – Những người “chơi” võ

Ca-phe-vo-thuat-8
Chúng ta ham mê võ thuật, cũng giống như có người ham mê xe cộ, có người yêu thích nhạc, hoạ; có người thích điền kinh, bóng đá, lại có một số khác thích mày mò tọc mạch cơ khí – điện tử.

Đam mê đưa đến cho ta nhiều thứ mà công việc và tiền bạc chưa chắc mang lại được. Đầu tiên là sự thoả mãn trong tinh thần yêu thích. Thứ hai là cơ hội quen biết nhiều anh em, bè bạn. Thứ ba là rèn luyện được nhiều kĩ năng, học hỏi được nhiều kiến thức – đó là lí do mà ở các nước tân tiến, người ta luôn khuyến khích giới trẻ xác định được đam mê, thú vui của mình, bằng cách lập ra nhiều câu lạc bộ văn hoá – nghệ thuật – kĩ thuật. Khi ta làm việc hay tìm tòi vì đam mê, ta luôn chân thành, tận tâm, và kiên trì hơn khi ta làm việc, tìm tòi những thứ ta không ham thích. Từ đó ta nhận ra giá trị của học tập, của lao động, của thái độ làm việc.

Đa số trong chúng ta học võ. Môn võ của mỗi người trong chúng ta có một cái tên riêng, có những đặc điểm riêng. Ý thức “võ đường” hình thành rõ ràng. Ta phân định rõ những người đồng môn, những người không phải đồng môn. Ý thức “môn phái” này có vẻ thân thuộc với võ thuật châu Á.

Thế giới xích lại gần nhau bằng công nghệ thông tin, vận tải, giao lưu văn hoá. Giữa các “môn phái” võ thuật cũng có sự giao lưu, va chạm với nhau nhiều hơn, và từ đó cũng sản sinh ra một lớp người khác: những người “chơi võ”.

Cà phê võ thuật (ok 8) – Những người “chơi” võ

Họ cũng có một nền tảng, một vạch xuất phát rõ ràng. Có thể là một Boxer, một võ sinh Karate, Taekwondo chẳng hạn. Nhưng định kiến “môn phái” trong họ đã giảm đi rất nhiều. Họ đến với võ thuật như một thú chơi đúng nghĩa. Họ nghiên cứu từng đòn đánh, đừng thế đỡ bằng con mắt khoa học – hoặc bằng con mắt đỏ máu của họ sau những thất bại thực thụ. Nó hiệu quả như thế nào, và hiệu quả khi nào. Nó hợp với lối đánh nào. Nó có thể gây ra những nguy hiểm hay bất lợi gì cho cả hai. Họ đi lên từ những đòn đấm, cú đá cho đến cách kết hợp chúng cùng di chuyển, nhấn nhá nhấp nhử, chiến thuật, những mánh khoé trong đối kháng. Cách “chơi võ” đó giống hệt như những bạn trẻ mà ngày nay chúng ta hay thấy – đang mày mò học guitar, chế đồ cơ khí, hay tập nhảy vậy.
Họ không oang oang: “Tôi là Karate-ka (võ sinh Karate), tôi đánh theo lối của của Karate và đừng ai rủ tôi đánh Kickbox.” Có thể họ cũng có một sở trường, một môn võ yêu thích riêng, nhưng họ cũng không ngần ngại giao lưu, kết bạn với nhiều bạn bè môn khác. Tôi đã từng biết rất nhiều người, kể từ ngày đầu tôi biết họ (có người tôi quen từ cách đây tầm 3 – 4 năm), đến tận bây giờ tôi vẫn không biết chắc chắn họ đã học môn gì. Nhưng mỗi khi nói đến võ thuật, họ đều bật dậy, tiếp chuyện tôi một cách sôi nổi và nhiệt tình. Và mỗi kì offline giao lưu võ thuật, họ vẫn có mặt và xỏ găng đánh – và đánh không hề thua kém bất cứ ai. Vâng! Họ chính là những người “chơi võ.”

Nhiều bạn trẻ thích nói về “võ đạo”. Thật tình là mình cũng trẻ, chắc chắn là trẻ hơn tầm 60% anh, chị đang đọc bài viết này. Nhưng mình là không thích nói về cái “võ đạo” mà nhiều người hay nói. Mình thích nói về chơi võ, và cái cách mà những người chơi võ đang làm. Trong cộng đồng những người chơi võ, nền võ thuật chung ngày càng phát triển, lan rộng, phổ biến. Họ tạo nên những sân chơi, những tiếng cười, những trận xỏ găng giao hữu. Những chuyến đi từ thiện…

Và, họ tạo nên một nét văn hoá rất riêng – văn hoá võ thuật – văn hoá của cộng đồng những người yêu võ. Ở đó, người ta không “chan chứa yêu thương”. Ở đó có thể có máu, có mồ hôi nước mắt. Có sự tôn trọng. Có sự chân thành trong chia sẻ, tìm hiểu và rèn luyện võ thuật nói chung, những khoảng cách môn phái đều trở nên mờ nhạt.

Bản thân tôi, tôi đã từng cảm thấy chán nản và rời bỏ võ thuật sau những tháng ngày dài đến lớp võ phong trào, mỗi tuần tập 3 buổi một tiếng rưỡi rồi về. Nhưng rồi khi tôi lớn lên, tôi gặp gỡ những con người chơi võ, những người anh chơi võ. Tôi nhìn cách họ chơi võ, hội ngộ nói chuyện võ, và kết thân với nhau, giúp đỡ nhau, bảo bọc nhau trong cuộc sống đời thường. Tôi nhận ra đó chính là mẫu hình sống lý tưởng mà tôi đang tìm kiếm.

Vì tôi yêu võ.

Và bây giờ, tôi chơi võ…

Nguồn: vothuat.vn

<< Cà phê võ thuật (p7) – “Thầy hơn trò”