Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Cà phê võ thuật (p11) – Tổng hợp võ thuật

Cà phê võ thuật 11
Cà phê võ thuật kì thứ 11 này là một chuyện – lại là một câu chuyện (vâng, cách đây ít lâu đã có độc giả phản ánh rằng tại sao chuyên mục này chỉ toàn những câu chuyện phiếm).
Thế nhưng, tôi nhận ra rằng, những câu chuyện cũng là những dữ liệu, những thông tin có tâm hồn.
Đôi khi nó giải quyết được những khúc mắc còn dễ dàng hơn là những lời bàn luận. Những câu chuyện đôi khi là một minh chứng, một suy nghĩ, một tình huống. Và tôi mong rằng câu chuyện phiếm sau đây sẽ tháo gỡ được một điều gì đó.

Là một anh hùng bàn phím khá năng nổ trên nhiều diễn đàn, group, fanpage võ thuật, tôi thường đọc được những bình luận như sau:

– “Võ tổng hợp à? Đi học đòn chân Taekwondo rồi học Boxing nữa là ngon cơm rồi!”

– “Taekwondo hơi yếu thủ mặt à? Học thêm lối thủ kiểu Boxing hay Muay Thái đó.”

Những điều này làm tôi nhớ về một câu chuyện của gia đình tôi (lại một câu chuyện phiếm nữa).

Khi đó, gia đình tôi còn sống ở một làng chài. Với truyền thống võ thuật cổ truyền của gia đình, bác và chú tôi lớn lên trong những bài quyền, ngọn cước. Thế nhưng, dần dần, mỗi người đều từ bỏ con đường ông nội tôi đã chọn sẵn để theo học một môn võ khác. Bác tôi theo Boxing – còn chú tôi sau vài năm cũng bắt đầu có những thành tích đầu tiên trong bộ môn Taekwondo (thời đó người ta gọi là Thái cực đạo).

Cà phê võ thuật 11

Dù theo hai môn võ khác nhau, nhưng cả 2 người lại rất thân thiết – trái ngược với mối quan hệ không mấy vui vẻ giữa họ và ông nội tôi. À mà có lẽ chi tiết này không quan trọng lắm đối với câu chuyện chính của tôi. Tạm gác qua nhé!

Sống ở làng chài, đám thanh niên trai tráng phân định thứ bậc bằng hai thứ: khả năng đi biển và tài võ nghệ – thời đó người ta còn rất chuộng võ. Và như thế, bác và chú tôi nghiễm nhiên trở thành 2 chàng trai tương đối “có vai vế”. Hai người được ưu tiên những phần việc tốt hơn, và cũng thường xuyên phải đứng giữa để phân xử những tranh cãi.

Thời đó kiến thức võ thuật chưa phổ biến như bây giờ (vấn đề này tôi nghĩ rằng có thể đổ thừa tại Internet – ít ra thời đó còn chưa có cáp để cá mập cắn). Không như bây giờ chúng ta có thể lượn lờ để đọc thông tin về Capoeira, Jiujitsu, những môn thần công chơi bẩn móc mắt ráy tai gì đó. Thời đó chỉ vòng qua vòng lại có vài câu lạc bộ Võ cổ truyền, Boxing, Taekwondo (thời đó Karate, Judo và Vovinam vẫn chưa về đến làng chài nhỏ bé của tôi nữa!)

Trai tráng làng chài lúc đó chỉ biết Boxing “là một môn chỉ đấm đấm, đấm và đấm”, còn Taekwondo “chỉ có đá, đá, đá và lại tiếp tục đá”. Nói theo cách dân dã của họ là “thánh đấm” và “thánh đá” đó!

Thời đó ở Việt Nam chưa có khái niệm “mờ mờ a” hay “em em ây” (MMA – Mixed Martial Arts – võ tổng hợp). Thế nhưng bản năng con người là luôn tìm đến sự hoàn thiện, đầy đủ. Người ta bắt đầu nghĩ đến chuyện kết hợp “thánh đấm” và “thánh đá”.

Và dĩ nhiên là họ đem chuyện đó đến hỏi bác và chú tôi – hai “thánh đấm” và “thánh đá” tiêu biểu của xóm chài.
Mỗi chiều, họ tập cùng nhau – một võ sĩ Taekwondo và một Boxer cùng nhau tìm ra cách để kết hợp võ thuật. Và càng lúc, họ càng tránh né, càng từ chối những câu hỏi từ bạn bè về kết quả mà mọi người đang mong đợi, một phép cộng Taekwondo + Boxing.
Ban đầu, cha và chú tôi đã mường tượng về một thứ gì đó, mà sau này họ gọi vui là Taekxing hay Boxwondo chẳng hạn. Họ bắt đầu mường tượng về một sự kết hợp – một võ sĩ có những bước chân và đòn đá ảo diệu của Taekwondo, đồng thời có thể tung ra những cú đấm uy lực của Boxing.

Ít lâu sau – họ trở lại với đám trai làng với cái lắc đầu.

“Nói Boxing chỉ có đấm hay Thái cực đạo chỉ có đá là thiển cận, nông cạn. Boxing không phải chỉ có đấm. Muốn ra được cú đấm đó, đòi hỏi cả một cơ thể. Từ cái gót chân, cái hông, cái lưng, cái vai đều cử động đúng cách – cách của Boxing. Thái cực đạo cũng vậy. Muốn ra được cú đá đàng hoàng thì cũng đòi hỏi hông, vai, tay đúng cách. Không phải cách của Boxing – mà là cách của Taekwondo. Trộn Taekwondo với Boxing lại thì cũng như trộn nước cam với cà phê rồi uống. Không ra gì.”

“Vậy thì mình đá khi có thể đá rồi đấm khi có thể đấm, được không?”

“Rồi thủ kiểu gì? Ngay từ cái thể thủ đã là cả một vấn đề. Thủ kiểu Taekwondo thì tay không đấm kịp, thủ kiểu Boxing thì không đủ thăng bằng để đá cao.”

“Vậy thì “chế” một thế thủ nào đó “lai lai” được Boxing với Taekwondo.”

“Vậy thì nó không còn là Boxing, cũng không còn là Taekwondo nữa. Nó sẽ đấm khác Boxing một chút, và đá khác Taekwondo một chút. Nó là…”

Bác và chú tôi đã không có một từ thích hợp cho cái kết của nhận định. Quý độc giả hãy hiểu rằng, vào thời điểm đó, họ không có điều kiện kiến thức và thông tin như bây giờ. Và dù khi đó, ở nước ngoài đã tổ chức thi đấu MMA, nhưng đó vẫn là chuyện ở “trời Tây”. Nỗi băn khoăn của họ khi đó, ngày hôm nay tôi đã biết nó là gì.

Cà phê võ thuật 11

Đó là võ tổng hợp. Đó không phải là những phép cộng thô thiển. Đó không phải là ta chặt một khúc gỗ rồi ghép vào mảnh kim loại, và nói đó là tác phẩm nghệ thuật. Trong võ thuật, không có phép 1 + 1 = 2 chuẩn mực.

Nó đòi hỏi sự đổi thay. Nó đòi sự cải tiến. Nó đòi hỏi sự thích hợp để hòa trộn với những cái khác.

Bác và chú tôi chỉ là những con người nhỏ bé đứng giữa những sự phát triển vĩ đại của lịch sử võ thuật, nhất là trong mấy mươi năm trở lại đây, khi mà khái niệm MMA chính thống ra đời và đi đến ngày hôm nay. Thế nhưng, tôi tin rằng những nỗi băn khoăn và những suy nghĩ sơ khai của họ cũng chính là câu hỏi và câu trả lời của những con người đầu tiên đặt nền móng cho võ tổng hợp : Làm thế nào để kết hợp các môn võ.

Tổng hợp võ thuật không hề đơn giản như xếp hình (hay nói cách khác là ghép hình, ghép LEGO – nói thế cho đỡ hiểu nhầm). Không phải bất cứ mảnh ghép nào cũng có thể giữ nguyên vẹn để ghép lại với nhau….

Bài viết khác: Cà phê võ thuật (p10) – Xin hãy công bằng với Mayweather!