Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

Nghề bảo vệ vất vả, trách nhiệm, nhiều điều tiếng

Nghề bảo vệ vất vả, trách nhiệm, nhiều điều tiếng
Những năm gần đây, các công ty dịch vụ bảo vệ ngày càng xuất hiện nhiều, vì nghề này tuy gọi là phổ thông nhưng ở đâu cũng cần, nhất là các doanh nghiệp.

Bảo vệ mục tiêu cố định lẫn di động, con người hay tài sản, an ninh hay trật tự, kiêm luôn cả phòng chống cháy nổ bão lụt và đôi khi là hoạt động phong trào thì lực lượng bảo vệ càng chuyên nghiệp càng tốt.
Tuy nhiên cũng có những doanh nghiệp lại thích sử dụng lực lượng bảo vệ tại chỗ vì không phụ thuộc nhiều vào hợp đồng mà lại có thể sử dụng lực lượng này vào nhiều việc khác.

Nghề bảo vệ vất vả, trách nhiệm, nhiều điều tiếng

Hơn nữa nếu được chỉ huy tập trung, huấn luyện bài bản thì hiệu quả sử dụng rất cao, vì lực lượng bảo vệ được coi là “tai mắt”. Nếu lãnh đạo “nắm” được bảo vệ, thì việc kiểm soát nhân sự trong doanh nghiệp sẽ khách quan hơn, vì thông thường khi nhiều cán bộ cấp dưới “khéo” quá khiến giám đốc cũng bị “nhiễu”.

Về lý thuyết, các đơn vị bảo vệ dù là dịch vụ hay tại chỗ có quy mô lớn đều phải được đào tạo nghiệp vụ cơ bản như võ thuật, PCCC, an ninh trật tự… Nhưng sự dễ dãi trong công tác quản lý hiện nay cũng bộc lộ nhiều bất cập. Ông Bùi Duy Đ. – Phó giám đốc một công ty may trên đường 353 – kể lại: “Khi được tiếp thị, chúng tôi quyết định lựa chọn dịch vụ bảo vệ, trong hợp đồng ghi rõ là nhân viên phải có các chứng chỉ chuyên môn, nhưng một lần nhà máy bị sự cố, nhân viên bảo vệ không biết thao tác bình bọt chữa cháy, may mà có lực lượng tại chỗ, sau này hỏi ra, anh em họ nói thật là có chứng chỉ nhưng chưa được đào tạo ngày nào”.

Ông Đ. cũng cho biết, năm ấy cụm doanh nghiệp an toàn PCCC đường 353-355 tổ chức hội thao, công ty ông lấy lực lượng bảo vệ làm nòng cốt dự thi nghiệp vụ chữa cháy, anh em lóng ngóng nên đành chịu về bét, sau đận ấy công ty lại phải quay về lập lực lượng bảo vệ tại chỗ.

Nhưng nghiệp vụ dù có đủ đôi khi làm bảo vệ cho doanh nghiệp cũng khổ. Ông T ấm ức mãi chuyện bị một giám đốc doanh nghiệp nổi tiếng của thành phố “chơi xấu”. Số là sau một năm thực hiện hợp đồng cho doanh nghiệp này, công ty ông T. không nhận được đồng nào, đòi mãi chưa được thì một hôm vị giám đốc này làm toáng chuyện bị mất nhiều tài sản khác trong phòng. Khổ nỗi vì anh em “nể” giám đốc nên không nhận niêm phong phòng “vip”, hơn nữa xe giám đốc ra vào cổng có ai “dám” kiểm tra?

Thành thử sau đấy vị này nằng nặc đòi cắt hợp đồng, dù ông T. đã cam kết đền tài sản. Đến nay tiền nợ cũng chưa đòi được, qua tìm hiểu ông T. mới biết vị giám đốc này chỉ là ảo danh, nợ chồng chất, kể cả tiền cơm hộp của công nhân. Thật ra, chẳng có tài sản nào bị mất, đấy chỉ là chiêu để vị này “đảo” hợp đồng giãn nợ với các đối tác, thảo nào khi tiếp thị ký hợp đồng, ông T. thấy vị này “thoáng” thế.

Còn chị Lương Ngọc L. – vốn từng là nhân viên bảo vệ – tâm sự: “Khi bọn em bảo vệ cho siêu thị, qua camera phát hiện có một khách hàng có biểu hiện đổi quần lót đắt tiền, mới mời vào phòng thay đồ kiểm tra, ai ngờ không phải, bị họ chửi cho té tát và còn đe đánh, em sợ phải xin chuyển đi nơi khác rồi bỏ hẳn nghề…”.

Mới đây chị L. vào siêu thị Big C cùng chồng, đi xe Suzuki nhưng khi vào nhân viên bảo vệ ghi luôn trên vé là xe Air Blade, chị yêu cầu đổi vé thì nhân viên này nói là không sao, cứ đúng số xe là được. Ai dè lúc về vợ chồng chị bị nhân viên bảo vệ kiểm soát giữ lại, đòi lập biên bản vì nghi rằng tráo xe.

Tự ái quá vợ chồng chị nổi nóng “quạc” nhau với bảo vệ một trận, vì cái lý của chị L. là chẳng ai lại đi tráo cái xe Air Blade hơn 40 triệu đồng để lấy chiếc xe Suzuki có 26 triệu đồng cả.

Vất vả, trách nhiệm, nhiều điều tiếng nhưng có thể khẳng định đây là một trong những nghề ổn định nhất, vì doanh nghiệp dù phải nghỉ nhỡ việc, nhưng còn đất đai còn tài sản thì còn cần bảo vệ.